Một số thức cổ cầm phổ biến

“Nhĩ căn đắc thính cầm sơ sướng, 
Tâm địa vong cơ tửu bán hàm”.

Tai vừa nghe được tiếng cầm
Lòng quên cuộc rượu hãy còn dở dang.

Cổ cầm là nhạc cụ gảy dây lâu đời nhất Trung Quốc với lịch sử hơn 3000 năm.  Được tạo ra bởi Phục Hy và Thần Nông, sau đó được Văn, Vũ nhị vương thêm 2 dây thành 7 dây như ngày nay, nhờ vậy mà tiếng đàn được mở rộng hơn, rõ ràng và êm dịu, tròn đầy mà xa xăm. Ban đầu tên của nhạc cụ này chỉ gọi là Cầm hay Dao Cầm sau năm 1920 người ta thêm chữ Cổ vào tên để phân biệt với các loại đàn khác. Năm 2003, Cổ Cầm được công nhận là di sản Văn hoá Phi vật thể của Thế Giới.

Theo các tài liệu cổ đã tùng có hơn 50 thức cổ cầm được lưu truyền nhưng hiện nay chỉ còn 20 thức phổ biến. Các thức cổ cầm được chia làm 3 nhóm: do thánh nhân tạo ra (Phục Hy, Thần Nông,…), do con người tạo ra (Sư Khoáng, Lạc Hà, Tiêu Diệp,…) và do bậc Đế Vương tạo ra (Tuyên Hoà, Lộ Vương,…). Mỗi thức cầm có sự đặc biệt về ý nghĩa và hoàn cảnh của thời đại được tạo ra, nó phản ánh sự theo đuổi nghệ thuật và những lý giải của người chế tác.

Vậy trước hết chúng ta cần nắm “Thức” là gì, có thể hiểu đơn giản “Thức” là hình thức, hình dáng; vậy “Thức” cổ cầm là một dạng hình dáng của cổ cầm. Liệu chất lượng âm thanh của cổ cầm có bị ảnh hưởng lớn bởi hình dáng? Câu trả lời là với cùng các điều kiện về nguyên liệu và chế tác, giữa các thức cổ cầm khác nhau chủ yếu về âm sắc và điều này cũng không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng âm thanh.

A. Cổ đại tứ đại danh cầm

Tứ đại danh cầm này là câu chuyện về 4 cây cổ cầm nổi tiếng nhất trong lịch sử và điển tích của Trung Hoa

I. Hiệu Chung cầm

Hiệu Chung Cầm

Đứng đầu Tứ đại danh cầm thời cổ, Hiệu Chung cầm nổi tiếng vào đời nhà Chu, nó được nhắc tới với âm thanh lớn như tiếng chuông, dài như tiếng kèn ra trận và làm mây rung chuyển. Trong truyền thuyết thời Xuân Thu, Du Bá Nha đã dùng Hiệu Chung cầm để tấu nhạc.

II. Nhiễu Lương cầm

Nhiễu Lương Cầm

“ Dư âm Nhiễu Lương, Tam nhật bất tuyệt”, dư âm của Nhiễu Lương cầm đến 3 ngày vân chưa dứt. Tương truyền Sở Trang vương có 1 cây Nhiễu Lương cầm, vì nó mà bỏ bê triều chính, sau được quần thần nhắc nhở mà đập bỏ đi.

III. Lục Ỷ

Lục Ỷ Cầm

Theo truyền thuyết, Lục Ỷ toàn thân màu đen, mờ mờ thấp thoáng ánh xanh, như dây leo quấn quanh khúc gỗ cổ xưa, bởi vậy mới có tên là Lục Ỷ. Trong Cầm có viết: :Đồng mộc hợp tinh”, tức là dùng gỗ Ngô đồng và gỗ cây Mộc để làm cầm thì mới phát huy hết được tinh hoa. Thời Hán, Tư Mã Tương Như dùng 1 phần bài “Như Ngọc Phú” đổi lấy Lục Ỷ cầm mà xem như là châu báu. Tương Như bản thân cầm nghệ tinh thông, nay có được Lục Ỷ tiếng đàn càng hay càng nổi trội.

Hiện nay, Lục Ỷ thức được phỏng cổ mà chế thành, theo Vương Ngọc Phong trong (Phần Hương Kí. Từ Hôn) viết: “Kì cục tài thu gian điểm trà, Năng đàn Lục Ỷ sỉ Tranh Bà”. Lục Ỷ trong lòng cổ nhân có 1 vị trí không thể nói hết.

IV. Tiêu Vĩ

Tiêu Vĩ Cầm

Tiêu Vĩ được Thái Ung (một thư pháp gia, nhạc sĩ, nhà thơ nổi tiếng thời Đông Hán) chế tác. Thời Nam Tống, Phạm Diệp trong (Hậu Hán Thư. Thái Ung Truyện): có người họ Ngô đốt khúc gỗ Ngô đồng, Thái Ung đi ngang nghe tiếng lửa cháy từ khúc gỗ, đoán được khúc gỗ này có thể làm đàn nên vào nhà xin khúc gỗ đó. Quả nhiên cây đàn làm từ khúc gỗ này cho âm thanh tuyệt diệu, nhân vì khúc đuôi đàn còn vết cháy xém mà đặt tên là Tiêu Vĩ. Tiêu Vĩ vì vậy mà có âm thanh cũng như cách chế tác đặc biệt vang danh bốn biển.

B. Các thức cầm phổ biến hiện nay

Hiện nay chỉ có khoảng 20 thức cầm phổ biến, trong đó Phục Hy và Trọng Ni là phổ biến nhất.

1. Phục Hy thức

Theo Thái Cổ Di Âm: Phục Hy thấy phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng, đoán biết là gõ tốt mà dùng chế thành nhạc cụ, nhạc cụ này phỏng theo hình dáng phượng hoàng mà tạo ra, được gọi là Cầm. Hình dáng Cầm dầy tự nhiên,  chất phác, phần eo đàn được tạo hình gồm 2 đường cong hợp thành hình bán nguyệt. Âm sắc hoành tráng mà thu gọn, phong phú và giàu nội lực. Thưở ban đầu, Phục Hy tạo ra Cầm với mục đích “phản kì thiên chân” tức là quay lại với bản tính tự nhiên. Phục Hy dùng tiếng Cầm để chạm tới những tâm hồn bị giam cầm trở lại với bản tính sơ khai và đánh thức những cảm xúc ẩn sâu bên trong. 

Nhìn vào hình dáng và lắng nghe âm thanh của cầm, như các bậc hiền nhân đang quan sát thiên địa, thay đổi vạn vật, chuyển hoá chúng thành những thứ có hàm ý. Những lời truyền lại tựa hồ bài hát còn vang vọng bên tai, làm thân tâm được tịch tĩnh, an lạc.

2. Thần Nông thức

Tân Luận Cầm Đạo: Thần Nông nối ngôi Phục Hy làm vua thiên hạ, trên xem đạo trời, dưới giữ phép đất, lấy cây ngô đồng mà chế ra cầm, lấy tơ mà căng thành dây đàn, dùng để thấu hiểu đạo đức thánh nhân, hoà hợp thiên địa. 

Hình dáng đơn giản mà rạch ròi, âm thanh đầy tính ôn hoà mà cổ xưa, kết nối giữa các phần đơn giản và hợp lí. Đầu đàn hơi tròn, cổ đàn thu gọn và vai đàn rộng hơn phần đầu. Giữa hay 9 và 10 là phần lõm vào hình bán nguyệt, trang trọng, mạnh mẽ mà lại toát ra sự linh động. Long trì Phượng chiểu đều là hình vuông, xuất ra âm thanh trung chánh. Thần Nông thức âm thanh và hình dáng đều trác tuyệt. Dựng đứng cây đàn có thể hình dung được hình dáng của thánh nhân, gảy đàn lại càng hiểu được lời giáo huấn của tiền nhân, người nay khó mà suy nghĩ hết được đạo đức, phong thái của thượng cổ thánh nhân.

3. Trọng Ni thức

Trọng Ni là thức phổ biến nhất trong các thức của cổ cầm, thức này cũng liệt vào nhóm do thánh nhân chế tác. Hai bên eo đàn là 2 đường lõm vào vuông vắn chứ không phải là các đường cong như các đa số các thức khác, âm thanh trong trẻo, trang nhã, thuần tuý, đoan chính. Hình dáng bên ngoài làm người yêu thích lại hàm chứa bên trong sự trang trọng, rộng lớn. Các phần lõm vào vừa tròn vừa vuông, thể hiện các tâm tư, phong cách của nhà Nho trung dung và hướng nội, đây là vật mà nhà Nho dùng làm Đạo xử thế. Dùng Trọng Ni, như nghe được lời của thánh nhân, 1 sợi dây 1 khúc gỗ, tất cả như truyền lại tất cả tinh tuý của âm luật cổ nhân để lại.

4. Tiêu Diệp thức

Tiêu Diệp Thức (Hình ảnh sản phẩm của Thái Âm Cầm Xã)

Thức này do Lưu Bá Ôn sáng chế, thân cầm mang hình dáng lá chuối, đầu đàn tựa cuống lá cong xuống đỡ cho phần thân, phần thân đàn như mép lá nhấp nhô theo gió tựa hồ lá chuối bị gió thổi lúc trời mưa. Hai bên mép đàn uốn lượn mềm mại, hình dạng duyên dáng, đáy đàn tựa như thân chuối. Đường nét mềm mại như thanh âm trôi chảy. Hình dáng tuyệt đẹp không chỉ thể hiện cái tình cảm lãng mạn của kẻ văn nhân mà còn đầy tính nghệ thuật. Âm thanh tròn đầy, tinh tế, nghe như đứng bên cạnh tiên nhân, tựa hồ bài ca nhân gian hữu tình.

Bên cạnh Tiêu Diệp thức bình thường còn có 1 biến thể khác là tiểu Tiêu Diệp thức với mặt đàn phẳng và hẹp hơn nhưng âm thanh lại thanh tú và tinh tế hơn, âm sắc sắc xảo mà trong trẻo.

Tiểu Tiêu Diệp Thức (Hình ảnh sản phẩm của Thái Âm Cầm Xã)

Note: Tiêu Diệu là thức rất khó chế tác vì hình dáng uốn lượn mang tính nghệ thuật cao của nó nên để có 1 cây âm tốt ở Tiêu Diệp khó hơn nhiều so với các thức khác. Nhưng nếu vượt qua được hết thì Tiêu Diệp là một thức cho âm thanh tốt nhất.

5. Linh Cơ thức

Thức này do Lương Loan sáng chế vào thời Hán, đã từng là thức phổ biến nhất trong quá khứ, gần đây được các cầm nhân yêu mến trở lại vì hình dáng gần giống 1 thanh kiếm. Đầu của Linh Cơ thức là dạng đầu tròn thường thấy, từ đầu đến vai đàn là 2 đường khuyết hình dáng như nửa cái hồ lô, eo đàn là 1 đường cong. 

Người ta hay nhầm lẫn giữa Linh Cơ thức và Tử Kì Thức, Tử Kì thức có đầu đàn vuông.

6. Tuyên Hoà thức

Tuyên Hoà (1119-1125) là niên hiệu thứ 6 và cũng là cuối cùng của Tống Huy Tông. Tống Huy Tông không chỉ giỏi thư hoạ mà còn là tuyệt hảo cầm nhân, trong phủ Tuyên Hoà bên phải mở ra Bách Cầm đường, bên trái dựng Vạn Cầm đường, sưu tầm danh cầm trong thiên hạ về đây.

Tuyên Hoà thức được Huy Tông chỉ đạo sáng chế trong thời kì Tuyên Hoà, dựa theo hình dáng của Phụng Thế thức mà làm, giữ lại đặc điểm phần eo đàn của Phụng Thế nhưng làm cong hơn, nên phần eo có 1 phần nhô lên giữa 2 đường cong, từ trán đàn có các đường cong nối tiếp, phía trước hơi tụ lại, các đường chuyển tiếp rất mềm mại, thể hiện sự uyên bác, tinh tế, thanh lịch, tạo hình thống nhất, âm thanh xa xăm mà rõ rệt.

Thư pháp Sấu Kim Thể do Tống Huy tông sáng tạo, mỏng manh, khoan thai, sảng khoái, sắc nhọn, mạnh mẽ mà phiêu dật, thoải mái tự do, giàu cá tính. Vì vậy mà Tuyên Hoà thức có thể xem như 1 dấu ấn phong cách nghệ thuật riêng của Huy Tông, có thể nói “Thiên cốt tù mĩ, Dật thú ái nhiên”.

7. Phụng Thế thức

Tạo hình Phụng Thế thức mạnh mẽ và thẳng thắn, đầu đàn vuông, có 2 nếp gấp ở mỗi bên eo đàn (vì thức này eo đàn chuyển tiếp gắt hơn nên gọi là nếp gấp), linh động như gợn sóng, phiêu dật như mây bay, tạo hình mô phỏng dáng phượng hoàng thật xuất sắc. Long trì thì tròn, phượng chiểu thì vuông thật là tương ứng, âm sắc trong trẻo mà mạnh mẽ. Tiếng như chim kêu, vần điệu chan hoà, nghe như tiếng loan phượng cùng cất tiếng. Kinh Thi – Đại Nhã – Quyển 2 có nói: “Phượng hoàng vu phi, hối hối cơ vũ” (phượng hoàng bay lên, cánh vỗ phần phật), tức là có tướng như phượng hoàng thì đều có thể bay lên, vui mừng mĩ mãn.

8. Lạc Hà thức

Lạc Hà là 1 trong những cổ đại danh cầm, Thời Hán, Quách Hiến trong Động Minh kí có viết: Cầm cây tiêu Phượng Quản, nâng cây Hà Lạc thức, văn nhân cổ đại nhìn ráng mây lúc hoàng hôn biến hoá khôn cùng, nổi lên cảm hứng theo đó mà tạo ra dáng cầm này. Dọc thân đàn là những hình gợn sóng đối xứng 2 bên, những đường gợn sóng này biến ảo, thay đổi liên tục như những đám nây buổi ban chiều, mặt đàn lại sơn bằng màu đen và đỏ đan xen ẩn hiện, lại có những đoạn màu sắc trộn lẫn, ánh sáng sặc sỡ dáng dấp như điệu múa từ nơi trời xa.

Âm thanh hùng hồn, to lớn, thích hợp để biểu diễn cho đại chúng hoặc chơi những bài hơi hướng vui vẻ. Lạc Hà thức có âm thanh đẹp đẽ, vang vọng., hùng hồn, to lớn, có lúc như làm lật 1 con thuyền lớn trong 1 cái hồ nhỏ, lúc như bầu trời và mặt nước tiếp giáp nhau trên cả vùng rộng lớn, chính là “Lạc Hà dữ cô vụ tề phi, Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc” (Ráng mây rơi xuống như bay cùng vịt trời cô độc, Màu nước và bầu trời mùa thu cùng một vẻ).

Cây Lạc Hà thức cổ nhất còn tồn tại là “Thái Phượng Minh Kì” do Đường Lôi Uy chế tác. Dương Thời Bách tiên sinh rất quý trọng, thường nói rằng “thanh âm tuyệt giai”, tức là âm thanh vô cùng hay. Năm 1959, đại sư cổ cầm Quản Bình Hồ đã thử chế tác 2 cây Hà Lạc thức, âm thanh của chúng rất lớn.

9. Chánh Hợp thức

Chánh Hợp Thức

Vào cuối đời Minh và Thanh, hình dáng cổ cầm đa số có xu hướng cầu kì, chỉ có 1 thức ngoại lệ là Chánh Hợp thức. Tương truyền, Chánh Hợp thức được sáng chế bởi hoàng tử thứ bảy của Minh Hiến tông là Hành Vương Chu Hữu Huy, ban đầu Chánh Hợp cầm được Chu Hữu Huy gọi là “Trọng Lệnh”, đời sau thường gọi là “Hành Vương cầm”.

Đại Xảo Nhã Chuyết, 1 lời để diễn tả thức này là lâm li, tuyệt kỹ. Tất cả các phần của thức này từ đầu, vai, eo đều trên 1 đường thẳng, cũng không quá khi xem thức này là “Tố Cầm” tức thức cầm gốc. 

* Khô Mộc Long Ngâm

Sau thời Minh, Chánh Hợp thức xuất hiện 1 thức mới, cực đơn giản, vuông vức rất được cầm nhân đương thời yêu quý đó là Long Ngâm thức. Long Ngâm thức tên đầy đủ là Khô Mộc Long Ngâm là 1 biến thể của Chánh Hợp thức. Thân cầm thẳng suôn, như thân cây khô nên mới có cái tên như vậy. Tuyển chọn những cây sam già mà làm mặt đàn, lấy gỗ cây tử để làm đáy đàn, người ta còn kết hợp thêm 1 số phần làm từ gỗ Đàn. Cầm âm dày dặn, lưu loát, thông suốt, dư âm xa xăm, vang mãi không dứt, thật làm hợp ý cầm nhân.

Khô Mộc Long Ngâm Thức

10. Sư Khoáng thức 

Hay còn gọi là Nguyệt Cầm thức, tương truyền do Trung Quốc cổ đại Đại nhạc sư Sư Khoáng sáng chế. Sư Khoáng, tự Tử Dã, sống vào thời Xuân Thu ở Dương Ấp nước Tấn (nay là thôn Hồng Động, Sơn Tây), hoạt động mạnh mẽ vào thời Tấn Điệu công và Tấn Bình công. Sư Khoáng không chỉ là một người uyên thâm về âm nhạc mà còn rất quan tâm tới đời sống người dân, lấy nhạc mà bàn luận chính trị, mong muốn 1 người anh minh trị vì đất nước, người đời sau tôn làm “Nhạc Thánh”. 

Hình dáng Sư Khoáng thức: ở phần eo có một phần phình to như trăng tròn, hình dáng đặc biệt, âm điệu như tiếng cái khánh (1 loại nhạc khí làm bằng đá ngọc hoặc kim loại, như cái thước cong). Danh cầm “Thiều Khánh” do Đường Đường Lí Mẫn chế tác cũng là dựa trên hình dáng này. Dương Thời Bách có làm 2 bản mô phỏng, theo đó: “Sau khi hoàn thành, âm thanh vững chãi, thông suốt, giòn tan như tiếng gõ khánh”.

11. Liên Châu thức

Hán Thư có viết, “nhật nguyệt như hợp bích, ngũ tinh như liên châu” (nhật nguyệt như hai nửa miếng ngọc hợp lại, 5 vì tinh tú như chuỗi ngọc), ngụ ý nhân tài kiệt xuất hoà hợp với vật tuyệt mĩ. Liên Châu thức tương truyền do một người ẩn sĩ thời Tuỳ, thường gọi Liên Châu tiên sinh, tên là Lí Nghi sáng chế. Cố mai Canh tiên sinh là người đã phỏng chế ra Liên Châu thức mới, âm thanh rất trong trẻo, tròn đầy. Tuy nhiên thức này thường hay có những thay đổi liên tục, như loại “Phi Bộc Liên Châu”, vai và eo đàn có 2 đường cong liên tục, “Lang Thạch Tuyền” cầm cso phần vai và eo như chuỗi 5 viên ngọc. 

*Liên Châu thức “Tam Đại Liên Châu”

“Tam Đại Liên Châu” dựa trên nguyên mẫu Liên Châu thức, ở phần vai và eo có 3 đường cong hình bán nguyệt liên tục, long trì phượng chiểu đều là hình vuông, toàn thân màu đen, ẩn hiện vài điểm đỏ. Hình dáng này khá mảnh mai, tạo hình linh hoạt, năng động mà không làm mất vẻ đoan chính, chuẩn mực, thanh nhã. Theo như Phạm Trọng Yêm trong “Nhạc Dương Lâu kí”: “Phù quang dược kim, Tĩnh ảnh trầm bích”, động tĩnh tương trợ nhau. 

*Liên Châu thức “Biến thể Tứ Liên châu”

“Biến Thể Tứ Liên Châu” có 4 đường cong hình bán nguyệt ở vai và eo, liên tục như khói bay lãng đãng, các phần kết hợp gọn gàng, phần đuôi khá dài. Bên cạnh hình dáng linh hoạt, động tĩnh tương hỗ như Liên Châu thức bình thường, biến thể này có phần sinh đọng và linh hoạt hơn, âm sắc trong trẻo cao vút, như khánh ngọc cùng rung, như Bạch Cư Dị trong “Tì Bà Hành”: Tào tào thiết thiết thác tạp đàn, Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn” (Tiếng đàn rào rào lẫn tiếng nỉ non, hạt châu lớn nhỏ như rắc xuống mâm ngọc). 

12. Linh Quan thức

Linh Quan thức được Ngu Tuỳ sáng chế vào thời Chu, Linh Quan tức Nhạc quan. Sử sách ghi lại: khi Tuỳ còn là Linh quan, có 1 đại lễ, làm ra cây cầm dài 3 xích 6 thốn, âm thanh to lớn, dâng lên cho Văn Vương, thêm 1 dây Cung thành lục luật, sau Vũ Vương cũng thêm 1 dây Thương mà thành thất âm; khi vua đăng cơ, Tam Thúc lưu truyền mà không biết, Hiến Thành Vương ra lệnh nên Tuỳ bèn đàn khúc Chu Công Tháo, Tuỳ khóc không ngừng, trời nổi sấm sét, gió bão thổi bay đồng lúa, cây cối, người người hoảng sợ, vua nhân đó mà mở Kim đằng, dùng lại Chu công. (Khúc này là cổ văn nên dịch hơi tối nghĩa)

Hai bên đàn tròn tự nhiên, bên trong thì phẳng, cổ và eo đàn đều có 1 đường cong. Thiên Âm Cầm Phường đã làm Linh Quan thức, do Lư Vinh tiên sinh chiếu theo Ngũ Trí Trai Cầm Phổ mà làm theo sự hướng dẫn từng bước của Cung Nhất tiên sinh. Linh Quan thức do Thiên Âm Cầm Phường chế tác không chỉ có vẻ bề ngoài cổ xưa mà còn có âm sắc phù hợp cho mục đích biểu diễn chuyên nghiệp. Đây có lẽ cũng là mục đích của Ngu Tuỳ khi chế tác Linh Quan thức.

13. Hỗn Độn thức

Hỗn Độn Thức (Hình ảnh sản phẩm của Thái Âm Cầm Xã)

“Hữu vật hỗn thành, Tiên thiên địa sinh” , Hỗn Độn thức được chế tác dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng Đạo Gia. Toàn bộ thân đàn từ cổ đến eo đều là một đường cong tự nhiên.

Thức này là 1 thức hiện đại, nó khác biệt so với hình dáng truyền thống của phần lớn các thức cầm khác. Hình dáng đơn giản, tròn trịa và có 1 vẻ đẹp đặc biệt khi so với các thức khác. Âm thanh vang vọng, trong trẻo, thu hút tự nhiên cho cảm giác như hình ảnh của một thế giới thần bí.

14. Hạc Minh Thu Nguyệt

(Cuối thời Thanh, An Huy Quý Trì có giữ 1 cây ngọc cầm. Cây cầm này làm từ gỗ Ngô đồng, mặt đàn có phần như mai rùa, có phần như nước chảy, có phần như băng vỡ; đáy đàn có đoạn nước chảy, có đoạn như mai rùa, có đoạn như lông trâu)

Hạc Minh Thu Nguyệt thức có hình dáng hết sức đặc sắc, phần góc ở đuôi đàn thì tròn hơn, mặt đàn cong, rộng phẳng, có 2 đường cong nhô ra ở 2 bên thân, nhìn xa tổng thể như bạch hạc vỗ cánh, dạt dào cảm xúc; nhìn gần như thanh kiếm được rút khỏi vỏ phấp phới như muốn bay bổng. Như Thẩm Toàn Cơ trong Hạp Son Phú có viết: “Nhàn bằng vãn các, Chỉ thiên ngoại chi hà phi, Mộng đoạn hiểu trung, Thính vân gian chi hạc lệ”. Âm sắc trong trẻo, ngọt ngào, tươi sáng và an lạc.

15. Liệt Tử thức

Liệt Tử thức tương truyền do Liệt Tử chế tác vào thời Chiến Quốc. Gần giống Trọng Ni thức, ở cổ và eo đàn có 2 đường khuyết nhưng đầu đàn to hơn, tổng thể gọn gàng, thanh lịch, mượt mà, phiêu dật, nhìn cầm mà nghĩ về các bậc thánh hiền, như một con gió thoáng qua, như hình tượng kẻ ngăn giặc cướp. 

Theo Quảng Bác Vật Chí: “Liệt Tử thường đến Thái Sơn, thấy một cột trụ bị sét đánh, nhân lấy đó mà làm cầm, âm thanh thật lớn”. Thời Minh, Lục Diên Kì trong “Thuyết Thính” cũng có viết: “có người họ Ngô đến từ nước Kim, có 1 cây cổ cầm tên là Phích Lịch, mang lên kinh đô, đem tặng cho Thức Cự Đương, đàn thử thì âm thanh, trong trẻo du dương”. Theo đó mà còn có tên là Phích Lịch thức.

16. Lạc Tượng thức

Thức này lấy cảm hứng từ Hà Đồ và Lạc Thư mà chế thành, ngụ ý: “Địa bình thiên thành, thần quy xuất Lạc” (sau khi vua Vũ trị thuỷ làm dân an cư, rùa thần xuất hiện ở sông Lạc. Địa bình thiên thành là chữ sách Kinh thư: Làm cho thủy thổ được điều hòa gọi là địa bình; khiến cho ngũ hành (thủy, hỏa, kim, mộc, thổ) theo thứ tự mà ổn định gọi là thiên thành. Đó là lời nói công đức trị nước lụt của vua Vũ.). Do Minh Hiến Tông niên hiệu Thành Hoá ngự chế.

Lạc Tượng thức không được tìm thấy trong “Thái Âm đại toàn tập” và “Ngũ Tri Trai cầm phổ”, hình dáng đặc biệt, đầu đàn ở giữa nhô cao giống như Phụng Thiệt thức, từ vai tới eo mỗi bên có 4 hình bán nguyệt, phần cong vươn ra như đôi cánh. Phần eo 2 bên tựa như viền hoa văn hình mây như Phụng Thế thức. Âm thanh trong trẻo, thanh thoát, sâu dày, xa xăm.

17. Trúc Tiết thức

Trúc Tiết thức hay Nguyễn Trúc thức, Thử Quân thức. Trúc thường đại diện cho người quân tử, văn nhân nhã sĩ lấy ý là sự chính trực, cao khiết. 

Trong “Thế thuyết tân ngữ. Nhậm đản” có viết: “Làm sao mà có thể 1 ngày không có trúc”. Hình dáng của Trúc Tiết thức phỏng theo hình dáng cây trúc: rực rỡ, mạnh mẽ, trang nhã mà cũng không kém phần đẹp đẽ, tinh tế. Được cầm nhân các lứa tuổi đều yêu quý. Âm thanh, thanh thoát, thuần tịnh, ôn hoà, rõ ràng, chìm đắm một cách vô thức như: “Nguyễn Tịch suy danh ẩm, Thanh phong toạ trúc lâm”.

18. Sư Tương thức

Sư Tương thức tương truyền do Nhạc Thánh Sư Tương thiết kế, theo “Sử kí”, thời Xuân Thu Vệ Quốc Nhạc Quan, “là kích khánh quan nhưng cũng biết chơi cầm”. “Khổng Tử Gia ngữ” có nói: “Khổng Tử học cầm từ Sư Tương Tử. Tương Tử có nói: ta tuy là kích khánh quan nhưng cũng biết chơi cầm, nay con tự tập cầm, chắc là sẽ có ích. Khổng Tử thưa: Khâu chưa có được tài nghệ như vậy.”

Nhờ vào hình dáng đặc biệt ,âm thanh ngân như khánh mà thức này được văn nhân kim cổ rất yêu quý. Phần cổ và eo đàn chế tác nhưu hình trăng tròn chính là điểm độc đáo của thức này. “Ngũ tri trai cầm phổ”: Sư Tương thức vai đàn thẳng mà sâu, lại có hoa văn rối như tơ, trang trí bằng 72 âm điệu,890 khúc, làm ra bởi thầy của Khổng Tử”.

Sau thời nhà Đường, hình dáng của cổ cầm đã được định hình và trở nên cố định, Sư Tương thức lại là 1 trong những thức quan trọng bậc nhất.

19. Thần Huy thức

Do Trần Chương thời Tần chế ra. Thần Huy thức được chế tác dựa trên miêu tả của “Ngũ Tri Trai cầm phổ”, ngày nay rất ít người làm được. Hình trên là Thần Huy thức do Lư Vinh tiên sinh của Thiên Âm Cầm Phường sau nhiều năm nghiên cứu và điều chỉnh dựa trên chế tác thực tiễn dựa trên các đặc điểm của Thần Huy thức, cũng như cải thiện cấu tạo bên trong của thức này, nhờ đó mà Thần Huy thức có thể đáp ứng các yêu cầu của những cầm nhân chuyên nghiệp.

20. Ngọc Phong thức

Ngọc Phong thức do Mã Minh Sinh chế tác vào thời Hán. Nhân vì “vu kiên tác tứ phong, nhất huyền thanh nhi nhã” (trên vai có 4 đỉnh nhọn, 1 dây mà âm thanh tao nhã) mà có tên vậy. Ngọc Phong thức được phỏng chế dựa trên “Ngũ Tri Trai cầm phổ” kết hợp với tính thẩm mĩ hiện đại.

Phần đầu đàn khác biệt nhiều so với các thức bình thường, việc dùng các đỉnh nhọn liên tục tạo mĩ cảm tốt. làm cho kết cấu các bộ phận rất hoàn chỉnh. Khi đàn lên âm thanh khoán đạt, tịch tịnh, lúc phiêu diêu khó gặp được, lúc như văng vảng bên tai, thực là “phỏng như thân tại vân thâm xứ, bất tri thuỷ tại sơn giản lưu” (tựa như thân tại nơi mây mờ, không biết được nước chảy ở nơi khe núi). 

Ngoài các thức trên còn có các thức khác như Bá Nạp, Lương Loan, Bá Nha, Phụng Tố,… nhưng ít gặp.

Nguồn: wechat – mingyuetangguqin

One thought on “Một số thức cổ cầm phổ biến

Bình luận về bài viết này

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia